Huyện Phù Cát (Bình Định): Vốn tín dụng giúp hội viên, nông dân ổn định cuộc sống
(Quỹ HTND)- Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Phù Cát triển khai hiệu quả chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Từ nguồn vốn này, nhiều đối tượng chính sách và cán bộ, công chức, người lao động thu nhập thấp đã hiện thực hóa mong ước an cư lạc nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng NTM, đô thị văn minh.
|
Anh Phạm Quốc Tuấn (bên trái) bên ngôi nhà vừa mới xây dựng xong |
Thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, cùng các văn bản hướng dẫn của cấp trên, PGD NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn để người dân biết, tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Đồng thời, niêm yết thông tin về chương trình tại điểm giao dịch các xã, thị trấn. Trên cơ sở danh sách đăng ký, các Hội, đoàn thể tiến hành bình xét, chính quyền phê duyệt; cán bộ ngân hàng thẩm định, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định.
Đến nay, PGD NHCSXH huyện đã giải ngân cho 102 khách hàng vay hơn 38,1 tỷ đồng chương trình nhà ở xã hội và thực hiện phương thức cho vay có ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội, với lãi suất 4,8%/năm. Đối với các hộ vay, đây là chương trình tín dụng thiết thực và nhân văn, giúp ổn định nơi ở để yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hộ gia đình anh Phạm Quốc Tuấn, ở thôn Phú Kim - xã Cát Trinh vừa khánh thành ngôi nhà mới nhờ được hưởng lợi từ chương trình. Anh Tuấn chia sẻ: Vợ chồng anh quê xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, hiện anh là sỹ quan công tác tại Trường quân sự quân đoàn 3 - đóng tại huyện Phù Cát, còn vợ làm công nhân. Trước đây, gia đình ở tại khu tập thể của đơn vị nhưng chật chội nên nhiều thứ bất tiện, các con cũng không có chỗ học tập, vui chơi thoải mái.
Biết đến chính sách cho vay nhà ở xã hội, anh được hỗ trợ vay 250 triệu đồng, cùng với nguồn tích cóp được từ trước để mạnh dạn xây dựng ngôi nhà mới giúp thuận tiện cho việc sinh hoạt của gia đình. Anh Tuấn cho biết: “Nguồn vốn này cho vay thời gian dài hạn, lãi suất hợp lý nên hai vợ chồng có thể dành dụm tiền lương để trả gốc, lãi hàng tháng theo hợp đồng mà vẫn đảm bảo lo cho cuộc sống”.
Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức… mà nhiều đối tượng chính sách cũng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để xây dựng nhà mới khang trang, kiên cố. Bà Kiều Thị Thừa ở khu phố An Bình - thị trấn Ngô Mây là thương binh hạng 4/4 và cũng là cán bộ hưu trí. Sống trong căn nhà cũ xây dựng cách đây hơn 40 năm đã xuống cấp, chật chội, thường bị ngập nước vào mùa mưa. Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, bà mạnh dạn vay 500 triệu đồng để cùng với vợ chồng người con trai (sống cùng bà) xây dựng ngôi nhà mới kiên cố, khang trang với tổng chi phí hơn 1,2 tỷ đồng.
Bà Thừa tâm sự: “Trước đây vất vả, nay có điều kiện cùng con xây được nhà mới khang trang nên thấy rất mãn nguyện. Mặc dù đi vay nhưng lãi suất thấp và trả dài hạn nên với tiền lương hưu và thương binh hàng tháng của tôi trả cũng thong thả, không phải lo lắng nhiều”.
Mong muốn “an cư để lạc nghiệp” đối với những hộ thu nhập thấp luôn là ước mơ lớn. Chính vì vậy, nguồn vốn vay hỗ trợ làm nhà ở như một chiếc phao cứu sinh giúp giải quyết được khó khăn về vốn, là động lực để các hộ dân thực hiện được mong ước có một ngôi nhà vững chắc.